Tầm soát ung thư là phương pháp tối ưu giúp bạn phát hiện bệnh và tăng tỷ lệ điều trị bệnh thành công. Vậy có nên tầm soát ung thư bằng xét nghiệm máu? Trong bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
1. Có nên tầm soát ung thư bằng xét nghiệm máu?
Dấu ấn ung thư là các protein đặc biệt do các tế bào ung thư sinh ra. Chúng hiện diện trong các tế bào, mô hoặc trong dịch cơ thể. Do đó các dấu ấn ung thư giúp đánh giá hiệu quả quá trình điều trị cũng như theo dõi sự tiến triển của bệnh ung thư. Từ đó đưa ra những chẩn đoán, phác đồ điều trị phù hợp. Còn đối với việc khám tầm soát ung thư chỉ mang lại kết quả với một số loại ung thư nhất định.
Tầm soát ung thư bằng xét nghiệm máu thường được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa dành cho các đối tượng có nguy cơ mắc ung thư cao. Đây là chỉ định chuyên khoa, không phải là phương pháp có chỉ định rộng rãi. Việc tiến hành xét nghiệm này để tìm dấu ấn ung thư thường không mang lại hiệu quả cao. Đôi khi còn mang lại những kết quả không chính xác. Đặc biệt trong những trường hợp bệnh nhân không bị ung thư nhưng có chất chỉ điểm khối u tăng do viêm nhiễm.
Tầm soát ung thư thường được chỉ định ở các đối tượng có nguy cơ mắc cao
Tầm soát ung thư bằng xét nghiệm không phải là phương pháp đặc hiệu giúp tầm soát ung thư sớm. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân bị các bệnh lý viêm gan hoặc xơ gan ở độ tuổi trên 50 thì có thể tiến hành tầm soát. Kết hợp cùng với siêu âm ổ bụng và xét nghiệm chất chỉ điểm khối u giúp dự đoán khả năng mắc ung thư cao. Từ đó lên kế hoạch theo dõi và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
2. Nên tầm soát ung thư bằng xét nghiệm máu khi nào?
Có rất nhiều biện pháp khác nhau giúp sàng lọc và phát hiện ung thư sớm ở những đối tượng có khả năng mắc bệnh ung thư cao. Tầm soát ung thư bằng xét nghiệm nên được thực hiện để đánh giá và theo dõi tình trạng của bệnh.
Thông thường bộ ba dấu ấn AFP, AFP – L3, PIVKA-II giúp đánh giá hiệu quả nguy cơ mắc ung thư gan cho các đối tượng mắc các bệnh lý viêm gan B, C. Ngoài ra việc tiến hành sàng lọc và phát hiện ung thư sớm còn dựa trên yếu tố tiền sử bệnh của các thành viên trong gia đình cũng như triệu chứng cụ thể của từng bệnh nhân. Để từ đó, các bác sĩ sẽ tư vấn, chỉ định các xét nghiệm phù hợp.
Tầm soát ung thư bằng xét nghiệm không phải là phương pháp chỉ định rộng rãi
3. Nên tầm soát ung thư bằng xét nghiệm máu trong những trường hợp nào?
Tầm soát ung thư bằng xét nghiệm được làm trong quá trình theo dõi bệnh. Sự tăng giảm của chất chỉ điểm khối u sẽ giúp các bác sĩ biết được quá trình điều trị có hiệu quả hay không?
Ngoài ra trong quá trình theo dõi, tái khám nếu nồng độ của chất chỉ điểm khối u tăng lên thì cần phải tìm sự tái phát, di căn của bệnh để đưa ra phác đồ tái điều trị phù hợp.
Ví dụ như xét nghiệm CEA được chỉ định ở bệnh nhân được chẩn đoán ung thư trực tràng. Chỉ số CEA giảm trong quá trình điều trị là một yếu tố đánh giá điều trị có hiệu quả, còn nếu chỉ số CEA tăng trong quá trình theo bệnh là một yếu tố tiên lượng không tốt có thể u đã tái phát hoặc di căn xa. Tuy nhiên, nồng độ CEA này tăng có thể do một số nguyên nhân như: các bệnh lý về gan, viêm phổi, viêm túi mật, hay thói quen hút thuốc thường xuyên,…
4. Tầm soát ung thư bằng xét nghiệm máu giúp phát hiện những loại ung thư nào?
Xét nghiệm máu có thể phát hiện nguy cơ những loại ung thư như: Chỉ số CEA trong ung thư đại trực tràng, vú, phổi; AFP trong ung thư gan; CA 12-5, HE4 trong ung thư buồng trứng; CA 15-3 trong ung thư vú; CA 72-4 trong ung thư dạ dày, PSA trong ung thư tiền liệt tuyến… Các chỉ số này có thể tăng do rất nhiều nguyên nhân khác, vì thế để chẩn đoán chính xác có bị ung thư hay không cần kết hợp với chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng.
Việc xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư thường được sử dụng trong việc theo dõi và điều trị ung thư. Hơn nữa thực hiện tầm soát ung thư bằng xét nghiệm máu đòi hỏi kết hợp các kỹ thuật hiện đại khác như: Nội soi, chụp x-quang, CT scan,… để đưa ra được kết quả chính xác nhất.
Xét nghiệm máu giúp phát hiện 08 loại ung thư
Bài viết tham khảo nguồn: medlatec.vn