Chỉ trong vòng 7 năm trở lại đây, thôn 5 và thôn 6 xã Ia Băng (Đak Đoa) liên tục có người bị ung thư và chết vì căn bệnh này. Các cơ quan chức năng của huyện đã vào cuộc trước hiện tượng bất thường nói trên.
“Mấy tháng nay tuy nhờ có Bảo hiểm Y tế chi trả 80% nhưng tôi cũng đã tốn hơn 30 triệu đồng để chữa trị”- ông Nguyễn Hồng, 58 tuổi thôn 5, xã Ia Băng, tiếp chuyện bằng vẻ mỏi mệt và giọng nói đôi lúc đứt quãng. Ông Hồng phát hiện mình bị ung thư gan cách đây 4 tháng và được chuyển vào điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Đưa ra xấp bệnh án, giấy xét nghiệm, đơn thuốc dày cộp, ông nói: “Người dân, bạn bè của tôi nghe nói trong thôn có nhiều người bị ung thư nên cũng sợ, nhiều người rủ nhau đi thử máu, xét nghiệm thử có bị gì không?”. Ông Hồng chỉ là một trong số khá nhiều trường hợp phát hiện bị căn bệnh khó chữa này trong vài năm trở lại đây ở thôn 5. Danh sách này đang ngày một dài ra với đám tang của những người hàng xóm mà người ta có thể kể tên vanh vách: Ông Khiêm- ung thư gan, ông Thuận- ung thư phổi, bà Phương- ung thư thận, bà Bắc- ung thư phổi, ông Liên- ung thư phổi… Ở thôn lân cận là thôn 6, nhiều người cũng đang phải chống chọi với căn bệnh nghiệt ngã này.
Ông Nguyễn Hồng, phát hiện ung thư gan đã 4 tháng: “Nghe nói trong thôn có nhiều người bị ung thư nên người dân cũng sợ, họ rủ nhau đi thử máu, xét nghiệm thử có bị gì không?”. Ảnh: Phương Duyên
Chiều 15-11, ông Nguyễn Văn Chính, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa, cho biết, hiện vẫn chưa xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng có nhiều người mắc bệnh ung thư trong 5 năm trở lại đây ở thôn 5 và thôn 6 xã Ia Băng (huyện Đak Đoa). “Chúng tôi sẽ lấy mẫu nước sinh hoạt tại đây gửi lên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để kiểm nghiệm sinh hóa, lý hóa, vi sinh… Trong vòng 1 tuần nữa sẽ có kết quả cụ thể. Nếu có nghi ngờ, chúng tôi sẽ tiếp tục gửi mẫu nước này đến kiểm nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương”.
Theo ông Chính, các ca bệnh ung thư phát hiện tại xã này không tập trung vào một loại ung thư nào, do đó nguyên nhân gây bệnh có thể không phải do môi trường mà do thói quen sinh hoạt không tốt (dùng nhiều rượu, thuốc lá…), chế độ ăn uống không hợp lý, ít có điều kiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời… |
Ông Lê Nguyên, trưởng thôn 5, kể lại: Trong buổi tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp vừa qua, ông đã phản ánh tình trạng từ năm 2004 đến nay tại thôn này có đến mười mấy người bị ung thư, nhiều người đã chết chủ yếu vì ung thư gan, phổi. “Một thôn mà có nhiều người bị ung thư như vậy là bất thường. Tôi mong muốn các ngành chức năng vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân vì sao lại như vậy”- ông Nguyên nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Lang- Chủ tịch UBND xã Ia Băng- cho biết: Xã có 12 thôn, trong đó có 4 thôn người Kinh là thôn 5, 6, Hàm Rồng và Ia Klai. Dân các thôn này đều định cư ở đây từ 20 năm trở lên. Ông Lang cũng khẳng định thông tin về số người phát hiện bị ung thư tăng nhiều trong thời gian qua chủ yếu tập trung ở 2 thôn nằm ngay trung tâm xã, đặc biệt là thôn 5.
Ngày 1-11, sau khi nghe phản ánh thông tin này, Khoa Dịch tễ- Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa và Ban Y tế Dự phòng huyện Đak Đoa đã đến tận nhà từng người bị ung thư tại thôn 5 và thôn 6 để khảo sát. Ông Nguyễn Linh, Phó trưởng trạm Y tế xã Ia Băng, người cùng với cơ quan chức năng huyện đi khảo sát, cho biết: Thôn 5 và 6 nằm trên diện tích khoảng 5 km2. Thôn 5 có 308 hộ, thôn 6 có 239 hộ. Số ca mắc ung thư tăng nhiều từ 5 năm trở lại đây, điểm chung là tất cả những người mắc ung thư đều trên 50 tuổi. “Tuy nhiên, có những trường hợp người nhà nói là ung thư nhưng không có giấy tờ, bệnh án, phim chụp gì để xác minh nên chưa thể kết luận”- ông Linh nói. Vì thế, theo kết quả khảo sát, có chính xác 12 người ở thôn 5 và thôn 6 bị ung thư và chết vì căn bệnh này trong 5 năm gần đây, chủ yếu là ung thư gan, phổi, một số ít bị ung thư vòm họng, ung thư vú…
Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng của huyện, hiện vẫn chưa thể có kết luận cụ thể về nguyên nhân gây ra hiện tượng nói trên. Theo khẳng định của lãnh đạo xã Ia Băng cũng như những cán bộ khảo sát, trên địa bàn xã không có nhà máy nào, do đó không có chuyện chất thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, môi trường sống tại khu vực xã từ trước đến nay cũng được cho là rất trong lành. Vì vậy, trao đổi xung quanh vấn đề này, bà Đinh Thị Lá- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa, Trưởng Ban Y tế Dự phòng huyện- cho biết, tới đây có lẽ sẽ phải tính đến phương án kiểm tra chất lượng nguồn nước để tìm nguyên nhân.
Bài viết tham khảo nguồn: gialai.gov.vn